Khai thác triệt để ưu điểm của phương thức thanh toán điện tử
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết: Đây là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đang triển khai và dự kiến xây dựng mô hình thương mại điện tử, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán cũng như các ngân hàng giới thiệu, trao đổi và cộng tác để xây dựng, tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại điện tử bền vững và thành công tại Việt Nam. Với mục đích đó, VOP 2009 nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trong cả nước và quốc tế như Mastercard, IBM, Viettel, Vietcombank, VIBank, Payoo, OnePay, Mobivi, Paynet...
Theo ông Trần Hữu Linh - phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử đã tăng lên rõ rệt và các doanh nghiệp đã biết khai thác những ưu điểm vượt trội của phương thức kinh doanh đầy tiềm năng này. Thực tế cho thấy thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa khi lĩnh vực thanh toán trực tuyến phát triển. Bên cạnh đó, thanh toán trực tuyến còn là lĩnh vực khá mới mẻ với số lượng công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến chưa nhiều, hoạt động ứng dụng các mô hình thanh toán trực tuyến mới chỉ triển khai ở một vài doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực như hàng không, du lịch...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định: So với thế giới, cơ sở hạ tầng cho việc triển khai thanh toán qua mạng tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở quảng bá thương hiệu, giới thiệu thông tin, sản phẩm, dịch vụ và khi ký hợp đồng vẫn phải quay về hình thức truyền thống là dùng giấy tờ.
Cũng do thanh toán trực tuyến qua Internet chưa tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng nên số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán còn ít, các loại hình thanh toán vì thế vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú. Không những thế, thói quen sử dụng tiền mặt cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển của thanh toán trực tuyến điện tử. Mặc dù các sàn giao dịch điện tử cũng đã bước đầu xây dựng giúp người mua và người bán gặp nhau, quảng bá sản phẩm, đặt hàng và đấu giá nhưng đến khâu thanh toán tất cả đều phải áp dụng phương pháp thanh toán truyền thống như tiền mặt, chuyển khoản, L/C... khiến các doanh nghiệp dè dặt đầu tư.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng: Để thanh toán trực tuyến phát triển, trước hết cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống ngân hàng được tích hợp và kết nối đầy đủ; công ty cung cấp dịch vụ phải hoàn thiện dịch vụ với chất lượng cao để các doanh nghiệp có nhu cầu tích hợp thanh toán trực tuyến có thể dễ dàng tiếp cận. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là chính các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về lợi ích của thương mại điện tử, từ đó có kế hoạch ứng dụng cho thật sự phù hợp với đặc điểm về sản phẩm và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo TTXVN