Hé cửa cho chữ ký số nước ngoài
Một số chữ ký số (CKS) nước ngoài có thể sẽ được Chính phủ cho phép sử dụng tại Việt Nam nhằm thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn.
Tiền lệ Intel
Vướng mắc trong chuyện sử dụng CKS nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu được dư luận chú ý từ tháng 3/2010, khi Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Intel Việt Nam) đề nghị Tổng cục Hải quan chấp thuận cho Công ty Intel Việt Nam và các đại lý khai báo hải quan của Intel sử dụng chứng thư số và chữ ký số do VeriSign xác thực trong hoạt động khai báo hải quan điện tử.
Theo đúng quy định của luật pháp hiện hành thì Tổng cục Hải quan có quyền từ chối đề nghị nêu trên. Bởi VeriSign chưa được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng tại Việt Nam (lý do là chưa đáp ứng các điều kiện được nêu trong Điều 52 - Công nhận CKS và chứng thư số nước ngoài, trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số).
Trên thực tế lâu nay, mọi giao dịch điện tử của Intel Việt Namđều chỉ sử dụng duy nhất CKS được cung cấp bởi Công ty VeriSign (kể cả giao dịch với Tập đoàn “mẹ” và các đối tác quốc tế khác). Phía Intel nhất quyết đề nghị được sử dụng CKS này tại Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất trong giao dịch của công ty trên phạm vi toàn cầu.
Chưa có tiền lệ nào tương tự nên Tổng cục Hải quan rất lúng túng, buộc phải kiến nghị Bộ Tài chính vào cuộc. Bộ Tài chính cũng không biết căn cứ vào quy định nào để giải quyết. Cuối cùng, Chính phủ phải đích thân tiếp nhận xử lý vụ việc.
Sau khi cân nhắc thiệt hơn, để “giữ chân” Intel, đầu tháng 8/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù cho trường hợp này.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký quyết định chấp nhận CKS VeriSign của Tập đoàn Intel và các đại lý xuất nhập khẩu của Intel trong thủ tục hải quan điện tử tại Việt Nam đến 31/7/2012.
Tuy nhiên, Tập đoàn Intel và các đại lý xuất nhập khẩu của Intel không được sử dụng CKS nêu trên cho bất kỳ giao dịch nào khác tại Việt Nam ngoài phạm vi giao dịch thủ tục hải quan; chịu trách nhiệm về các rủi ro, hậu quả do việc sử dụng CKS từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Cho phép nhưng kèm điều kiện
Chia sẻ vấn đề “cởi trói” quy định về sử dụng CKS nước ngoài tại Việt Nam, ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực Chữ ký số Quốc gia, Bộ TT&TT cũng khẳng định nhu cầu sử dụng CKS nước ngoài ở Việt Nam đang trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định việc có nên cho phép sử dụng CKS nước ngoài hay không.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì thấy trong tình huống tương tự, phần lớn các quốc gia đều chấp nhận CKS nước ngoài nhưng theo phương thức xử lý từng trường hợp cụ thể.Và các hồ sơ xin cấp phép đều phải do cấp Chính phủ kiểm duyệt.
“Về nguyên tắc, CKS nước ngoài chỉ được phép sử dụng tại Việt Nam khi nhà cung cấp dịch vụ CKS nước ngoài đã được Bộ TT&TT cấp phép. Tuy nhiên, đối với trường hợp những doanh nghiệp lớn có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước thì những CKS nước ngoài mà họ đang dùng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng ở Việt Nam nhưng chỉ trong phạm vi ứng dụng nhất định (như trường hợp Intel nêu trên, sẽ không được sử dụng CKS VeriSign trong các giao dịch điện tử không phải là giao dịch hải quan điện tử - PV)”, ông Khả nhấn mạnh.
Có thể thấy việc cho phép sử dụng một số CKS nước ngoài tại Việt Nam là một quyết định đúng đắn nhằm thu hút đầu tư thương mại để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo lắng rằng việc “mở cửa” cho CKS nước ngoài sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ CKS trong nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng
"Thực tế triển khai đã nảy sinh sự cần thiết đảm bảo xác thực và an toàn thông tin cho các ứng dụng CNTT liên kết nhiều đối tác trong nước và quốc tế thông qua giao dịch điện tử. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến hành các hoạt động trao đổi thông tin thương mại điện tử với các đối tác trên thế giới. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc cho phép sử dụng chứng thư số đã được dùng trong các hoạt động nghiệp vụ của mình. Do đó, nhu cầu tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS và chấp nhận chứng thư số nước ngoài ngày càng trở nên cấp bách nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại điện tử, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, xác thực điện tử trở thành một nội dung không thể thiếu trong các chương trình hợp tác kinh tế đa phương, như WTO, APEC, ASEAN Single Window, Hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương... mà Việt Nam đang tích cực tham gia".
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương
"Chứng thư số và CKS nước ngoài được cấp phát trực tuyến (online) với phương thức đăng ký rất đơn giản, thuận tiện. Ở Vệt Nam, chỉ tính riêng trong khối ngân hàng và chứng khoán đã có rất nhiều trang web thương mại điện tử (TMĐT) mua chứng thư số của các nhà cung cấp nước ngoài, như VeriSign. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tính đến nhu cầu thực tế của người sử dụng Việt Nam đối với chứng thư số, CKS nước ngoài; cần tính đến việc kết nối – công nhận với các nhà cung cấp CKS quốc tế để hỗ trợ cho các hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Dự kiến quý 4/2012, Bộ Công Thương sẽ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định TMĐT, và một trong những nội dung rất quan trọng trong Nghị định này chính là ứng dụng CKS".
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan
"Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử sẽ được tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Sẽ còn nhiều tập đoàn lớn khác có nhu cầu sử dụng CKS nước ngoài khi giao dịch tại Việt Nam. Dự kiến cuối tháng này, Tập đoàn Nokia sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan và chắc chắn cũng sẽ đề nghị sử dụng CKS trong giao dịch điện tử tương tự trường hợp Intel Việt Nam. Để đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ TT&TT cần có kế hoạch triển khai các quy định cho phép tiếp nhận và sử dụng CKS nước ngoài. Trong bối cảnh chưa có được ngay các quy định chính thức thì cần có hướng dẫn tạm thời để Tổng cục Hải quan có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng CKS nước ngoài của các doanh nghiệp, qua đó đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan".
(Theo itcnews)